Lớp học trao đổi sinh viên tại Trường BHIU
Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà là một trong số rất ít trường ĐH tại Hà Nội đang có sinh viên nước ngoài theo học. Theo chương trình trao đổi sinh viên với Trường ĐH ESC PAU của Pháp, một lớp sinh viên Pháp đang tích cực học tập với sự tham gia và hướng dẫn nhiệt tình của thầy trò BHIU (Bac Ha International University).
Có mặt tại một buổi học của lớp du học trao đổi, nhóm phóng viên chúng tôi được chứng kiến một không khí học tập khá là sôi nổi. Bao trùm lên cả lớp học là sự thân thiện, gần gũi xuất phát từ cả sinh viên đến giảng viên, từ Việt Nam cho đến Pháp. Lớp học được chia thành nhiều nhóm nhỏ gồm có các bạn Việt Nam và các bạn Pháp, các thành viên luôn nhiệt tình giúp đỡ nhau nhưng vẫn có sự phân chia công việc rất chặt chẽ và hợp lý.
Để hiểu rõ hơn về chương trình trao đổi sinh viên này, chúng tôi đã có một cuộc trao đổi ngắn với PGS.TS Nguyễn Đình Hoá – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHQT Bắc Hà.
PV: Xin thầy cho biết mục đích của chương trình đào tạo trao đổi sinh viên này?
PGS. : Chương trình du học trao đổi tại Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà được xây dựng với mục đích tạo điều kiện cho các em học sinh sinh viên có một môi trường đào tạo tốt nhất, có cơ hội cọ sát và tiếp xúc với những nền văn hoá khác nhau trên thế giới, từ đó xây dựng những thế hệ sinh viên mới khá giỏi và năng động.
PV: Chương trình trao đổi sinh viên này có những đặc điểm gì nổi bật?
PGS. : Hiện nay, tại Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà có hình thức du học trao đổi và du học chuyển tiếp. Trong chương trình trao đổi sinh viên với Trường Đại học Thương Mại Pau của Pháp, Trường PAU đề cử một số sinh viên khá giỏi sang học tại Trường ĐHQT Bắc Hà và Trường ĐHQT Bắc Hà cũng tuyển chọn những sinh viên nổi trội để sang học tại Trường ĐHTM PAU – Pháp một học kỳ bằng tiếng Anh sau học kỳ thứ 7 với những học phần đã thống nhất trong chương trình đào tạo cử nhân. Kết quả học tập của các sinh viên tại trường đối tác đều được các trường công nhận. Theo chương trình du học chuyển tiếp trên cơ sở thỏa thuận về công nhận chương trình đào tạo, sinh viên hệ du học chuyển tiếp được đào tạo với mô hình 2 + 2 hoặc 3 + 1, trong đó sinh viên Việt Nam được đào tạo tiếng Anh và một số học phần tại Việt Nam trong 2 hoặc 3 năm sau đó sẽ chuyển sang học tiếp các học phần còn lại tại các trường đại học lớn đã ký văn bản thỏa thuận về đào tạo liên kết với Trường ĐHQT Bắc Hà trong 2 hoặc 1 năm và khi tốt nghiệp được các trường đại học đối tác nước ngoài cấp bằng.
PV: Hiện nay, trường ĐHQT Bắc Hà đang liên kết với những trường ĐH nào trên thế giới?
PGS. : Hiện nay, trường ĐHQT Bắc Hà đang liên kết với trường Đại học Thương Mại PAU của Pháp, trường Đại học Griffith (Úc), Trường ĐH Worcester và ĐH Buckinghamshire (Anh).
PV: Vậy mục tiêu hoạt động của chương trình này trong tương lai là gì?
PGS.: Với mục đích tạo điều kiện cho các em học sinh sinh viên có một môi trường học tập quốc tế, trong tương lai, trường ĐHQT Bắc Hà vẫn sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu này. Đồng thời, phát triển hơn nữa chương trình du học trao đổi để có thể mang lại cho các em sinh viên cơ hội học tập tốt nhất với chi phí thấp nhất.
Nhóm phóng viên chúng tôi còn thực hiện những cuộc phỏng vấn ngắn các bạn sinh viên đang theo học cùng lớp sinh viên Pháp để có cái nhìn xác thực hơn về chương trình học này.
PV: Bạn cảm thấy như thế nào khi tham gia lớp học này?
Bạn Trần Hương – sinh viên khoá 5, BHIU – chia sẻ: “Lớp học này khá vui, các bạn Pháp đều rất vui tính và hoà đồng.”
Bạn Ken – sinh viên BHIU – trả lời: “Các bạn Pháp rất thích văn hoá Việt Nam. Ngoài giờ học, lớp mình còn rủ nhau đi chơi, đến các địa danh nổi tiếng tại Hà Nội, ăn quán vỉa hè. Mới đây nhất, chúng mình còn đi dự Hội Lim ở Bắc Ninh cùng nhau. Thực sự rất thú vị.”
Bạn Vũ Phương – sinh viên BHIU – hào hứng: “Các bạn Pháp rất chăm chỉ, các bạn Việt Nam cũng nỗ lực không kém, vì thế mà tinh thần học tập luôn được đẩy cao. Đây cũng là một cơ hội để cọ sát và nâng cao khả năng ngoại ngữ rất tốt. Tham gia vào lớp học này khiến mình luôn có tâm trạng hào hứng khi đến lớp. Hy vọng nhà trường sẽ có nhiều hơn những lớp học như thế này.”
Bạn Hugues Patachon – sinh viên PAU – nhận xét: “Mình rất thích các bạn Việt Nam. Họ chăm chỉ và rất dễ thương. Ở lớp học này, mọi người đều hoà đồng với nhau. Chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm và hướng dẫn nhiệt tình từ giảng viên đến các bạn sinh viên trong Trường. Tôi cũng thích đi chơi. Ở Hà Nội có rất nhiều nơi đẹp, rất nhiều món ăn ngon và có cả lễ hội nữa. Tôi đã được mặc thử áo dài truyền thống của Việt Nam. Nó thực sự đẹp. Tôi thích đi bộ trên những con phố ở Việt Nam, một cảm giác rất bình dị. Các bạn Việt Nam đã giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều thứ thú vị.”
PV: Bạn có thể nói đôi điều về chương trình học được không?
Bạn Trần Hương – sinh viên BHIU: “Lớp mình học theo giáo trình của nước ngoài nên có một số vấn đề không phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Do đó cũng có một chút khó khăn khi tiếp cận. Tuy nhiên chỉ cần chăm chỉ một chút thì hoàn toàn có thể tiếp thu được hết bài giảng. Các thầy cô cũng rất nhiệt tình chỉ bảo.”
Bạn Vũ Phương – sinh viên BHIU: “Mình thấy giáo trình nước ngoài giải thích dễ hiểu hơn so với giáo trình Việt Nam nên cảm thấy hứng thú học hơn.”
Hình cảnh sinh viên Việt Nam tự tin, năng động bên các bạn sinh viên Pháp thực sự đang mở ra một mối quan hệ bền vững không chỉ giữa Trường ĐH QT Bắc Hà và Trường ĐH ESC PAU nói riêng mà còn giữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Hy vọng Trường ĐHQT Bắc Hà sẽ luôn vững bước, tiếp tục đào tạo và phát triển những mầm non mới đầy triển vọng cho đất nước.