Đại học Quốc tế Bắc Hà tăng tốc đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn
Hướng đến mục tiêu đến năm 2030, đào tạo hơn 5000 kỹ sư bán dẫn chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của Việt Nam, trường Đại học Quốc tế Bắc Hà đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn Thông.
Mục lục
1. Chủ động nâng cao chất lượng đào tạo
“Chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp mong muốn hợp tác trong đào tạo tuyển dụng kỹ sư bán dẫn với số lượng lên đến hàng trăm nhân sự mỗi năm,” PGS. Nguyễn Quốc Trung – Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ về sự sôi động của thị trường vi mạch cũng như mức độ “khát” nhân lực trong lĩnh vực này.
Nhằm đón đầu nhu cầu thị trường và có thể đáp ứng “cơn khát” nhân lực là ngành công nghiệp vi mạch hay còn gọi là ngành công nghiệp bán dẫn, trường Đại học Quốc tế Bắc Hà đã sớm có những quyết sách cụ thể nhằm tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo ngành này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo đó, những bước đi cụ thể mang tầm chiến lược nhằm hiện thực hóa cam kết của mình đồng hành cùng Chính phủ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Việt Nam được thực hiện cụ thể:
Về số lượng, đến năm 2030, trường Đại học Quốc tế Bắc Hà trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn cả nước, đào tạo hơn 5000 kỹ sư bán dẫn chất lượng cao. Với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Về chất lượng, Nhà trường chú trọng xây dựng và liên tục cập nhật chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế, đảm bảo kiến thức và kỹ năng của sinh viên đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Đội ngũ giảng viên là các chuyên gia, giáo sư từ các trường Đại học hàng đầu trong lĩnh vực Kỹ thuật điện tử. Tập trung đầu tư vào phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu và cơ sở vật chất hiện đại nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên thực hành và nghiên cứu. Từ đó, sinh viên khi tốt nghiệp có thể tự tin tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất và sẵn sàng phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Về cơ hội việc làm, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn, doanh nghiệp và viện nghiên cứu chip bán dẫn hàng đầu trong và ngoài nước như ASML Hà Lan, Philips Hà Lan, IMEC Bỉ, Qorvo, Synopsys, Infineon, Toshiba,… tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên ngay trong quá trình học.
2. Gắn đào tạo với doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra
Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà sẽ phối hợp chặt chẽ và hoạt động như một tổ hợp dịch vụ kinh doanh cung cấp các dịch vụ: Đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên mô hình training on jobs (đào tạo trên công việc). Với hướng đi dài hạn, bài bản từ đào tạo cơ bản tới đào tạo chuyên sâu, mở rộng và nâng cao kĩ năng, tiếp nối là thực hành, thực tập, giải các bài toán thực tế theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội.
Mô hình này sẽ là vườn ươm tạo ra các nhân sự có năng lực của các công trình, dự án trong ngành, góp phần hoàn thiện tháp nhân lực Việt Nam về bán dẫn.
“Bằng liên kết rộng mở với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước về đào tạo, thiết kế, sản xuất thử vi mạch, trường Đại học Quốc tế Bắc Hà kỳ vọng, các thế hệ sinh viên bước ra từ khoa Điện tử của Nhà trường sẽ trở thành những nhân tố chủ chốt trong quá trình đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghệ bán dẫn nói riêng và ngành công nghiệp toàn cầu nói chung”, ThS Phạm Văn Hiệp – Phó hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ.
Để phát huy sức mạnh liên hợp trong ngành công nghiệp bán dẫn, trường Đại học Quốc tế Bắc Hà kết nối và hợp tác với các đối tác uy tín trong nước và quốc tế là các tổ chức nhà nước, các trung tâm, viện, cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông của Nhà trường.