Ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông học những gì? Ai phù hợp học?

Ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông học những gì? Ai phù hợp học?

Rate this post

Ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông học những gì? Có nên theo học không? Ai phù hợp học ngành này? Chắc hẳn là những băn khoăn của nhiều bạn học sinh khi lựa chọn ngành nghề. Hãy cùng Đại học Quốc tế Bắc Hà khám phá câu trả lời qua bài viết dưới đây để nắm được thông tin tổng quan về ngành này và chọn được ngành phù hợp với bản thân.

Ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông học những gì?
Ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông học những gì?

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích về nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực điện tử viễn thông, đây được coi là một trong những ngành có yêu cầu nhân lực cao nhất trong thời đại 4.0 hiện nay. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này không chỉ mở ra cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp uy tín như FPT, MobiFone, VNPT, VinSmart, Samsung, Nokia, Apple, mà còn đảm bảo một vị trí vững chắc trong thị trường lao động đầy cạnh tranh của Việt Nam.

Với sự phát triển của xu hướng chuyển đổi số như hiện nay, nhu cầu nhân lực cho ngành điện tử viễn thông là rất lớn và vẫn còn thiếu. Các công ty viễn thông, công ty sản xuất thiết bị điện tử, nhà mạng sẽ trở thành “miền đất hứa” cho các tân kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành này.

Ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông học những gì?

Hiện nay các trường đại học, học viện đào tạo ngành kỹ thuật điện tử – viễn thông theo khung chương trình kéo dài từ 4 – 5 năm. Sau khi ra trường sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân hoặc kỹ sư. Số lượng tín chỉ (môn học/học phần) sẽ có sự khác nhau tùy theo chuyên ngành cụ thể mà bạn theo học sau khi thi đậu ngành kỹ thuật điện tử viễn thông.

Khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức chuyên môn về lĩnh vực điện tử, viễn thông, bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Ngoài các môn cơ sở ngành, chương trình đào tạo còn chú trọng vào việc cung cấp kiến thức và kỹ năng để sinh viên có thể thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị điện tử, viễn thông.

Xem thêm: Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông

Tùy theo chuyên ngành lựa chọn, người học sẽ được học những kiến thức chuyên sâu hơn. Dưới đây là một số môn bạn sẽ được học khi lựa chọn ngành kỹ thuật điện tử viễn thông:

  • Điện tử cơ bản: Giúp sinh viên học và hiểu về nguyên lý cơ bản của điện tử, bao gồm linh kiện điện tử, mạch điện, tín hiệu và hệ thống điện tử.
  • Viễn thông số: Môn học này tập trung vào các khái niệm và kỹ thuật liên quan đến truyền thông số và xử lý tín hiệu số. Nó bao gồm việc tìm hiểu về mã hóa, giải mã, nén, đồng bộ và xử lý tín hiệu số.
  • Mạng viễn thông: Môn học về mạng viễn thông giúp sinh viên hiểu các kiến thức cơ bản về mạng viễn thông, bao gồm các giao thức mạng, cấu trúc mạng, quản lý mạng và an ninh mạng.
  • Truyền thông vô tuyến: Môn học này tập trung vào các công nghệ truyền thông không dây như: GSM, CDMA, LTE, Wi-Fi, Bluetooth và các kỹ thuật anten.
  • Thiết kế mạch viễn thông: Môn học giúp sinh viên hiểu về các phương pháp và công cụ để thiết kế mạch viễn thông, bao gồm việc sử dụng phần mềm thiết kế mạch, mô phỏng mạch và kiểm tra mạch.
  • Mạng di động: Môn học tập trung vào các khái niệm và kỹ thuật liên quan đến mạng di động, bao gồm các tiêu chuẩn mạng di động, kiến trúc mạng, quản lý tài nguyên và công nghệ di động mới như 5G.
  • Kỹ thuật lập trình: Môn học này giúp sinh viên hiểu về các ngôn ngữ lập trình phổ biến trong ngành điện tử viễn thông như: C/C++, MATLAB, Python và VHDL

Ngoài ra sinh viên còn được học các môn học khác như: Điện tử công suất, thiết kế tổng hợp hệ thống số, Kiến trúc máy tính, Lập trình nâng cao, kỹ thuật siêu cao tần, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng, Quy hoạch và quản lý mạng viễn thông, thông tin vệ tinh, thông tin quang sợi,v.vv..

Thông thường số lượng học phần hoặc nội dung học phần sẽ có sự khác nhau giữa bậc đào tạo cử nhân và kỹ sư.

Ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông học có khó không? Có nên học không?

Một thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho thấy, giai đoạn từ 2020 – 2025 nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc ngành điện tử viễn thông là khoảng 16 nghìn người/năm. Con số này đang có xu hướng tăng lên qua các năm sau đó.Trong khi đó, đại diện Tổng công ty công nghệ cao Viettel cũng từng chia sẻ, hơn 50% nhân lực kỹ sư của doanh nghiệp này là chuyên ngành điện tử viễn thông. Mỗi năm doanh nghiệp tuyển khoảng 100 kỹ sư mới ra trường.

Với tình hình công nghệ hiện đại như hiện nay để bắt kịp xu thế trên thế giới, ngành điện tử viễn thông đang cần một đội ngũ nhân lực trẻ để thúc đẩy sự phát triển của ngành và trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho những ai đang nắm vững kiến thức và kỹ năng chuyên sâu. Chuyên ngành điện tử viễn thông rất phong phú và đa dạng với mọi hình thức đào tạo từ cao đẳng đến đại học. Dù là một chuyên ngành khá khó khăn và phải vận dụng nhiều kiến thức, tuy nhiên, bạn sẽ không cần phải lo lắng nhiều, vì các chương trình đào tạo thường cung cấp cơ hội để học sinh viên vận dụng kiến thức vào thực tế thông qua các dự án thực hành và thực tập. Các giáo viên thường hỗ trợ tận tình, và sự tiếp xúc với các công nghệ tiên tiến giúp sinh viên phát triển kỹ năng thực hành và tư duy sáng tạo.

Với sự phát triển không ngừng của ngành kỹ thuật điện tử viễn thông, đây không chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp mà còn là một hành trình theo đuổi sự đổi mới và sáng tạo. Vì vậy, để trả lời câu hỏi có nên học điện tử viễn thông không? Thì câu trả lời là nên học, khi ngành này là một trong những mũi nhọn phát triển của đất nước ta. Học điện tử viễn thông không chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp rộng mở mà còn đồng nghĩa với việc tham gia vào một trong những động lực chính quan trọng trong sự phát triển kinh tế quốc gia.

Ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông phù hợp với những ai?

Để học tốt và thành công trong lĩnh vực Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông bạn cần có những tố chất và kỹ năng sau:

  • Cẩn thận, kiên trì, nhẫn nại
  • Có đam mê khoa học kỹ thuật
  • Yêu thích các thiết bị điện tử
  • Thích tìm tòi và đam mê cập nhật những tiến bộ mới của thiết bị, công nghệ kỹ thuật số
  • Có tư duy logic tốt;…
  • Khả năng sử dụng công nghệ thông tin một cách thành thạo.
  • Sự linh hoạt trong làm việc nhóm và khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường độc lập.
  • Kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, gồm khả năng lắng nghe, chia sẻ ý kiến và hỗ trợ đồng đội.

Bài viết trên đã cung cấp thông tin về “Ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông học những gì?”. Nếu bạn thực sự có đam mê theo đuổi ngành này thì hãy cố gắng trau dồi để có thể thực hiện ước mơ của mình nhé!

© COPYRIGHT 2023 Trường ĐHQT Bắc Hà - Thiết kế bởi ECS Media