Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, năm nào cũng nhắc và năm nào cũng có thí sinh sai

Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, năm nào cũng nhắc và năm nào cũng có thí sinh sai

5/5 - (1 vote)

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống của bộ cần quét tất cả dữ liệu mình có, chỉ dùng 1 số căn cước công dân, nhớ bảo mật tài khoản…

Một bạn học sinh đặt câu hỏi về lĩnh vực ngôn ngữ tới ban tư vấn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một bạn học sinh đặt câu hỏi về lĩnh vực ngôn ngữ tới ban tư vấn – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hơn 7.000 học sinh Hải Phòng đã có mặt tại chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Hải Phòng vào ngày 10-3.

Ngoài việc nghe những thông tin mới nhất liên quan thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm nay tại phiên tư vấn chung, các em còn được cung cấp thông tin tại gần 100 gian tư vấn trong khuôn khổ chương trình.

Nên dùng 1 số căn cước công dân khi đăng ký nguyện vọng

Trao đổi với học sinh, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhắc thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần quét tất cả dữ liệu mình có (ví dụ học bạ, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ…) để không bỏ sót cơ hội đỗ vì hệ thống sẽ xử lý dữ liệu để xác nhận cho thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất.

Thầy Hùng nhắc thí sinh bảo mật tài khoản của mình để truy cập vào hệ thống xét tuyển, vì năm 2023 đã có 23 thí sinh ở Phú Xuyên (Hà Nội) gặp trục trặc do để lộ mật khẩu truy cập vào tài khoản và bị người khác sửa chữa thông tin.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hiện một thí sinh có thể có hơn 1 số căn cước công dân, vì vậy trong suốt quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển nguyện vọng đại học, điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh chỉ thống nhất sử dụng 1 số. Tránh tình trạng đăng ký nhiều số căn cước công dân làm hệ thống không nhận diện được và quá trình xét tuyển thí sinh sẽ gặp nhiều trục trặc.

Trường y mở ngành tâm lý

PGS Lê Đình Tùng, trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Y Hà Nội, chia sẻ một thông tin đáng chú ý là năm nay trường sẽ có thêm 4 ngành mới gồm hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, công tác xã hội và tâm lý.

Ngoài ra, năm 2024, trường chính thức tổ chức đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa 2 mã ngành mới mở năm trước là kỹ thuật xét nghiệm y học và kỹ thuật phục hồi chức năng.

“Ngành đào tạo tâm lý của trường thuộc nhóm ngành tâm lý học, lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân tâm lý học với thời gian học là 4 năm”, thầy Tùng cho biết.

Ông Tùng thông tin thêm hiện cả nước có 67 trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Trong đó 32 trường đào tạo ngành y khoa. Tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh) là tổ hợp xét tuyển truyền thống của các trường y dược, nhưng đến nay nó không phải là phương thức xét tuyển duy nhất vào các trường này.

Phụ huynh học sinh chăm chú theo dõi các câu trả lời của ban tư vấn trong chương trình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Phụ huynh học sinh chăm chú theo dõi các câu trả lời của ban tư vấn trong chương trình – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cụ thể ở Trường đại học Y Hà Nội năm 2024 sẽ sử dụng thêm phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Trường đại học Y dược Thái Bình sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, hay một số trường sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.

Năm nay, Trường đại học Y Hà Nội dành 40% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh, tiếng Pháp đối với ngành y khoa, răng – hàm – mặt, điều dưỡng đào tạo theo chương trình tiên tiến.

Học rộng hay học sâu?

PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương, đặt ngược lại câu hỏi với các em học sinh quan tâm đến ngành kinh tế: học rộng hay học sâu? Lời khuyên của cô Hiền, trước hết các em học sinh nên chọn học rộng để có nền tảng vững chắc, trước khi đi sâu một nhánh nào đó.

Với “lộ trình” này, các em phải lựa chọn thế nào? Cô Hiền cho rằng những học sinh xác định đi theo lĩnh vực kinh tế thì nên tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo.

“Các em phải nhìn vào chương trình đào tạo. Một chương trình tốt thì nền tảng của nó phải rộng để nắm được nguyên lý chung, quy luật chung, nền tảng kiến thức căn bản. Có nền tảng tốt, các em có thể chuyển sang các nhánh khác nhau một cách dễ dàng hơn”, cô Hiền chia sẻ.

Thầy cô ban tư vấn đang giải đáp băn khoăn của học sinh, phụ huynh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thầy cô ban tư vấn đang giải đáp băn khoăn của học sinh, phụ huynh – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết trong số các ngành kinh tế, có khoảng 50% các ngành, chuyên ngành làm lẫn việc của nhau.

Ví dụ học quản trị kinh doanh, học makerting có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ có một số nghề khá rõ như kế toán phải làm đúng chuyên môn được đào tạo. Nhưng để có thể “nhảy việc” ở nhiều nhánh trong khối ngành kinh tế, các em cần có nền tảng kiến thức chung vững chắc.

Xu thế đào tạo liên ngành

Trả lời băn khoăn của một số học sinh về các ngành ngôn ngữ, PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương, cho biết quan điểm về học ngôn ngữ hiện nay chưa thật chuẩn xác.

“Học giỏi ngoại ngữ có thể tranh tụng trong một phiên tòa quốc tế không?”, cô Hiền đặt ra một tình huống và cho rằng “câu trả lời là không. Vì ít nhất các em phải vừa giỏi ngoại ngữ vừa có kiến thức luật. Bởi thế trong bối cảnh hiện nay, những học sinh muốn theo đuổi các ngành ngôn ngữ cần tìm hiểu và lựa chọn một lĩnh vực ứng dụng ngôn ngữ cụ thể.

Theo đó, ngoài việc học chắc khối kiến thức về ngôn ngữ để thành thạo các kỹ năng, các em cần có kiến thức một lĩnh vực cụ thể: Luật, kinh tế… Việc nắm vững hai khối kiến thức, nhất là phần giao thoa giữa hai khối kiến thức này không dễ. Nhưng đó là yếu tố giúp các em có cơ hội việc làm cao hơn sau khi tốt nghiệp.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương, phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội, cũng chia sẻ hiện ở Việt Nam đang đào tạo 10 ngoại ngữ. Nhưng xu thế hiện nay là đào tạo liên ngành, ngoại ngữ gắn với một ngành nào đó để tăng tính ứng dụng.

Có được đóng học phí “trả góp”?

Trả lời băn khoăn của một học sinh gửi Trường đại học Hàng hải Việt Nam, PGS.TS Phạm Văn Thuần, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết một số sinh viên của trường gặp khó khăn sẽ được xem xét cho phép lùi thời hạn đóng học phí khoảng 2 tháng.

Ngoài ra, thầy Thuần cũng chia sẻ sinh viên khó khăn cũng được trường giới thiệu đến các đơn vị, cá nhân có quỹ hỗ trợ và sẵn sàng giúp đỡ. Ví dụ năm học trước Trường đại học Hàng hải có 7 sinh viên khó khăn đã được giới thiệu để nhận được học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Trường cũng có những hoạt động khác hỗ trợ học sinh gặp khó khăn sau khi nhập học.

Trường đại học Hàng hải Việt Nam có một số ngành nhóm công nghệ và kinh tế, luật. Những học sinh ở Hải Phòng muốn học các ngành để làm việc trên đất liền có thể chọn những nhóm ngành mới như luật kinh doanh và quản lý kinh doanh thương mại điện tử.

Năm 2024, Trường đại học Hàng hải Việt Nam có thêm các phương thức xét tuyển mới. Theo đó ngoài phương thức xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường có phương thức xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ…

Câu chuyện học phí cũng được các chuyên gia trong ban tư vấn chủ động chia sẻ với các bậc phụ huynh, học sinh. Theo cô Vũ Thị Hiền – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại thương, bài toán kinh tế cũng là một trong những yếu tố mà các phụ huynh, học sinh cần quan tâm.

Hiện nay mỗi cơ sở đào tạo có những phương thức hỗ trợ khác nhau để giải quyết khó khăn tài chính. Nhưng khi lựa chọn ngành học, trường học thì các phụ huynh, học sinh vẫn rất cần tìm hiểu mức học phí và có kế hoạch cho việc này trước khi lựa chọn để đảm bảo học sinh có thể duy trì chặng đường học tập sau khi trúng tuyển.

© COPYRIGHT 2023 Trường ĐHQT Bắc Hà - Thiết kế bởi ECS Media