Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà đặt mục tiêu chuẩn đầu ra cho ngành vi mạch bán dẫn
Ngay sau khi Chính phủ công bố Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030, trường Đại học Quốc tế Bắc Hà đã lên kế hoạch phát triển mục tiêu đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường bán dẫn trong tương lai.
Hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030.
Theo đó, các yêu cầu về xây dựng và triển khai được chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu này đã được nhấn mạnh tại hội thảo “Chương trình đào tạo cho ngành Công nghiệp Vi mạch bán dẫn đến năm 2030 – Thách thức và giải pháp” với hơn 100 đại biểu từ các Đại học/ Trường/ Viện trong cả nước (trên 30 cơ sở) và Trường Arizona State University (ASU), các Trung tâm đào tạo/ nghiên cứu, các Tập đoàn/ Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ thông tin và Truyền thông cũng đến tham dự Hội thảo.
Hội thảo được kỳ vọng sẽ mở ra diễn đàn cho các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi quan điểm và định hình giải pháp cho những thách thức như: Yêu cầu kiến thức và kỹ năng cần thiết từ doanh nghiệp đối với kỹ sư thiết kế vi mạch; Mô hình đào tạo và phương pháp tổ chức chương trình học phù hợp cho ngành; Các cấp độ đào tạo trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sự liên thông giữa các ngành học liên quan; Yêu cầu về cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm cho đào tạo và nghiên cứu vi mạch. Từ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho đến năm 2030.
Thực hiện mục tiêu đó, PGS.TS Nguyễn Quốc Trung – Hiệu trưởng nhà trường đã nhấn mạnh rằng cả thầy và trò đều phải là những con người tâm huyết và dám đương đầu với thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, để đào tạo được nguồn nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn thì đương nhiên phải đào tạo bài bản và có đủ các phương tiện kỹ thuật cả về phần cứng và phần mềm.
Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Bắc Hà cũng chỉ ra thêm một thực tế, là việc đào tạo nhân lực cần đông về số lượng nhưng cũng phải đi đôi với chất lượng. Cùng với việc đó, trong số nhân lực 5000 người như mục tiêu đặt ra cho đến 2030 thì chỉ nên có 1000 làm về thiết kế chip và số còn lại là để tham gia các công đoạn khác. Trong số nhân lực này, phải có được 50 tiến sĩ và 300 thạc sĩ.
Do cơ sở vật chất cả về phần cứng lẫn phần mềm đều hết sức đắt đỏ, nên Nhà trường sẽ tận dụng tối đa mối quan hệ hợp tác với trường đại học lớn, doanh nghiệp cũng như đối tác nước ngoài để sử dụng cơ sở vật chất của họ cùng việc thực hiện sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Cùng với đó, bản thân các giảng viên trong lĩnh vực này cũng phải được đào tạo để cập nhật các kiến thức mới nhất về công nghiệp vi mạch bán dẫn. Không chỉ có vậy, một câu hỏi mà các giảng viên phải trả lời là chip bán dẫn mà họ cùng sinh viên sẽ thiết kế được phục vụ cho lĩnh vực cụ thể nào và phải nắm vững cả chuyên môn của các lĩnh vực đó. Mô hình đào tạo có thể với xuất phát điểm từ học sinh tốt nghiệp phổ thông hoặc là theo hình thức văn bằng 2 cho những người đã có chuyên môn về Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Điện – điện tử, Công nghệ thông tin…
Là một trong những trường Đại học đi đầu thực hiện nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, trường Đại học Quốc tế Bắc Hà cam kết tăng cường phát triển nghề nghiệp và tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thực hành, gắn kết những lý thuyết đã học với môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế trong các doanh nghiệp. Việc liên kết, hợp tác này được kỳ vọng sẽ đào tạo ra những kỹ sư có khả năng làm việc thực tiễn, cạnh tranh cao trên thị trường thiết kế vi mạch/chip bán dẫn và điện tử nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, mang lại lợi ích tối ưu cho các bên.
Bên cạnh đó, việc hợp tác này sẽ phát huy thế mạnh của mỗi bên, xây dựng mối liên kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu, triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phù hợp với nhu cầu, chức năng, nhiệm vụ của cả Doanh nghiệp và Nhà trường.