Hội thảo Wimax và Ứng dụng Truy nhập Internet Băng rộng cho Nông thôn

Hội thảo Wimax và Ứng dụng Truy nhập Internet Băng rộng cho Nông thôn do BIU và IEEE Việt Nam đồng tổ chức

5/5 - (14 bình chọn)

Ngày 7/3/2009, tại trường Đại học Quốc tế Bắc Hà đã diễn ra Hội thảo Wimax và Ứng dụng Truy nhập Internet Băng rộng cho Nông thôn do Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà và Hiệp hội Truyền thông IEEE Việt Nam đồng tổ chức.

Hội thảo Wimax và Ứng dụng Truy nhập Internet Băng rộng cho Nông thôn
Hội thảo Wimax và Ứng dụng Truy nhập Internet Băng rộng cho Nông thôn

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu Innovative broadband Internet access for rural areas of Vietnam using WiMAX technology via television broadcasting infrastructure (Truy nhập Internet băng rộng tiên tiến cho các vùng nông thôn của Việt Nam sử dụng công nghệ Wimax trên cơ sở hạ tầng truyền hình) do Quĩ Phát triển Xã hội thông tin (ISIF: Information Society Innovation Fund) tài trợ kinh phí thực hiện trong năm 2009.

Đến dự Hội thảo có GS Nguyễn Văn Ngọ, Chủ tịch danh dự Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, GS-TSKH Phan Anh Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa CNTT-Truyền Thông, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục tần số Vô tuyến điện, GS-TSKH Huỳnh Hữu Tuệ, Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Bắc Hà, GS Nguyễn Bình, Chủ nhiệm Khoa Điện tử, Học viện CN Bưu chính-Viễn Thông, PGS-TS Trần Xuân Nam, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông IEEE Việt Nam, Ông Trần Tuấn Anh, chuyên viên Vụ Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều cán bộ, sinh viên từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà, Tổng cục Đo lường, Cục Tần số Vô tuyến điện.

Hội nghị đã nghe hai báo cáo tổng quan với chủ đề WiMAX Technology: An Overview and Applications của GS-TSKH Huỳnh Hữu Tuệ và MIMO-OFDM Transmission for Wimax của PGS-TS Trần Xuân Nam. Phần tiếp theo là báo cáo của TS Đỗ Đức Dũng trình bày kết quả thực hiện mô phỏng truyền dẫn tín hiệu Wimax trên kênh truyền hình số trên cơ sở phần mềm Remcom Wireless Insite do nhóm đề tài thực hiện tại Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà. Đề tài đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và trao đổi xung quanh khả năng áp dụng của đề tài cho thực tế của Việt Nam. Đánh giá chung của Hội thảo cho thấy nếu được áp dụng đề tài sẽ có ý nghĩa xã hội cao đóng góp cho việc phủ sóng truy nhập Internet về đến các vùng sâu, vùng xa nơi đã có tín hiệu truyền hình số của VTC. Đề tài cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia cho việc áp dụng triển khai như khả năng kết hợp truyền tín hiệu Wimax kết hợp với phát thanh số FM, nghiên cứu thêm ảnh hưởng của nhiễu từ tín hiệu Wimax lên tín hiệu truyền hình, khả năng sử dụng các băng tần của truyền hình analog sau năm 2020 hay các băng tần dễ cấp phép khác, khả năng sử dụng kênh đường lên đối cho thiết bị thuê bao (CPE).
Được biết đề tài nghiên cứu của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà có giá trị 28.000USD và là một trong 11 đề tài được lựa chọn từ 148 đề tài của 22 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2009. Trong năm 2010 nhóm đề tài của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà lại một lần nữa được Quĩ ISIF lựa chọn cấp kinh phí cho đề tài thứ hai với tên gọi A novel Maritime Search and Rescue System based on GPS Wireless Ad-Hoc Network (Hệ thống Cứu hộ, cứu nạn trên biển dựa trên mạng Adhoc vô tuyến GPS) với kinh phí 40.000AUD.

Xem thêm: Các hoạt động Khoa học – Công nghệ của trường Đại học Quốc tế Bắc Hà

© COPYRIGHT 2023 Trường ĐHQT Bắc Hà - Thiết kế bởi ECS Media